Kỳ 2: Từ kép phụ đến soạn giả nổi tiếng
(CATP) Trong sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Trọng Nguyễn có đến 20 vở cải lương và 200 bài ca cổ cùng một số chập, vở ngắn. Ông trở thành soạn giả nổi tiếng với các bài vọng cổ: Quê anh quê em, Ơn Đảng, Chợ mới...
>> Những “hậu duệ” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (kỳ 1)
Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân (SN 1938). Khi đất nước còn trong chiến tranh, ông tham gia Đội văn nghệ Đàn Chim Việt phục vụ đồng bào Bạc Liêu. Sau đó, ông trở thành diễn viên của Đoàn văn công Cà Mau hoạt động ở vùng căn cứ rừng tràm, rừng đước Cà Mau. Nói về quãng thời gian sáng tác của mình, soạn giả Trọng Nguyễn tâm sự: “Ban đầu tôi không nghĩ mình theo con đường sáng tác. Khi làm diễn viên toàn đóng kép phụ như người già bởi ngoại hình không đẹp. Mỗi lần có vở mới, lãnh đạo đoàn phân vai, tôi thấy tủi thân bởi không thể nào vào vai kép chánh được nhưng yêu nghề đành phải chấp nhận”. Nhờ say mê, hết lòng làm nghệ thuật, soạn giả Trọng Nguyễn tích lũy được kinh nghiệm viết lời thoại, cách xây dựng cốt truyện trong một vở cải lương. Từ đó, ông trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Những vở cải lương như: Giọt máu oan cừu, Rừng thần... đã tạo cho ông tên tuổi trong hoạt động nghệ thuật.
Sau đó, hàng loạt bài vọng cổ: Quê anh quê em, Chợ mới, Bà mẹ và sân chim, Giận hờn, Bên sông Vàm Cỏ, Giọt sữa cuối cùng, Ơn Đảng... do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Minh Vương, Phương Bình, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Trọng Hữu... thể hiện đón nhận sự nồng nhiệt của khán thính giả. Khi đặt bút viết, ông luôn tâm niệm vọng cổ không phải là thơ, không phải văn xuôi, mà thuộc loại văn chương biền ngẫu. Nhưng vọng cổ phải có thơ, có văn, có nhạc, người viết phải chú ý từ vừa tượng thanh vừa tượng hình, tựa như mình kể một câu chuyện bằng loại ngôn ngữ biền ngẫu chỉ 4 hay 6 câu vọng cổ.
Theo soạn giả Trọng Nguyễn, mỗi bài hát như lời tri ân của ông đối với làng quê và đồng đội trong những ngày bom lửa. Tuy nhiên, để có bài vọng cổ hay, phải có cảm xúc. Trong một lần đi công tác huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, ông nghe được câu chuyện nữ du kích Nguyễn Thị Tư hy sinh anh dũng. Khi bị giặc bắt và đem ra pháp trường hành quyết, chị Tư không hề khiếp sợ ôm đứa con gái vào lòng cho ngậm những giọt sữa cuối cùng. Giặc nã nhiều phát đạn vào chị. Hòa bình lập lại, đứa con gái mồ côi của chị Tư lâm vào cảnh nghèo khó, không được xem xét hưởng chế độ. Soạn giả Trọng Nguyễn đến tận nhà chị Tư. Bài vọng cổ Giọt sữa cuối cùng được viết trong đêm trên trang giấy thấm đẫm nước mắt của tác giả. Sau đó, ông lại khăn gói đến từng cơ quan kêu gọi sự giúp đỡ con gái của người du kích anh hùng. Ba tháng sau khi bài hát phổ biến, chị Tư được công nhận liệt sĩ, chính quyền địa phương cất nhà tình nghĩa và đưa thi hài chị Tư về nghĩa trang liệt sĩ.
![]() Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu
Bài Bà mẹ Đông Hưng kể câu chuyện người chiến sĩ lén về thăm vợ ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp bị giặc phục kích bắn chết. Hay tin dữ, vợ bơi xuồng tìm xác chồng trong mưa gió, đứa con lớn lên không biết mặt cha... Khán giả yêu mến tài tử Nam bộ không ai không biết bài ca Chợ Mới. Thế nhưng để có bài hát này, ông nhiều lần tìm đến An Giang qua Chợ Mới nhưng không tìm ra được cảm xúc. Một lần, ông quay trở lại Chợ Mới, bất chợt nhìn cô gái ngồi giặt áo bên chiếc cầu dưới bực sông đã bật cho ông cái tứ “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi, mà ai cũng gọi là Chợ Mới quê hương, ở nơi đó, tôi có một người thương, cứ chiều chiều nàng ra bờ sông ngồi giặt áo...”. Trong một đêm, bài vọng cổ Chợ Mới được hoàn thành.
Ông thú thật, một số tác phẩm có cảm xúc hoàn thành ngay nhưng nhiều đề tài được ông ấp ủ hai năm mới hoàn chỉnh. Lúc đứng vào hàng ngũ Đảng giơ tay tuyên thệ trước Đảng kỳ, ông háo hức ấp ủ đề tài. 20 năm sau, chuỗi cảm xúc đó ông mới sáng tác xong bài Ơn Đảng được NSƯT Minh Vương thể hiện rất thành công. Hay như bài Đôi mắt viết được một ít lại “tắt”. Một năm sau, tình cờ ông đến nơi nghệ sĩ Mỹ Châu trang điểm, nhìn thấy mình trong gương, ông bật lên câu “Buổi sáng vô tình nhìn em chải tóc, gương cũng vô tình nên hai đứa soi chung”. Và bài hát hoàn thành ngay sau đó. Từ năm 2002, do sức khỏe ông không còn sáng tác.
Khi chia tách tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, ông về Bạc Liêu công tác và giữ nhiều chức vụ khác nhau. Thế nhưng, nhắc đến ông, người ta vẫn nhớ ông là soạn giả chuyên nghiệp với tác phẩm còn mãi với thời gian.
| ||
THIỆN THẢO |
THANH MENU TRANG CHỦ
Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014
Những “hậu duệ” của NS Cao Văn Lầu (kỳ 2)
Đăng ký:
Đăng Nhận xét
(
Atom
)
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét