“Qua clip bọn em muốn nói rằng, tuổi học trò khá ngắn, do vậy đừng để bạo lực học đường xen vào việc học tập. Bạo lực học đường cần được mọi người nhìn ở góc độ bao quát hơn để sau đó có những giải pháp cụ thể tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra”, Đỗ Lê Kỳ Duyên chia sẻ.
Trong cuộc hội thảo sáng 29/4 tại Bảo Tàng dân tộc Việt Nam (Hà Nội), hàng trăm học sinh đã hào hứng với chương trình đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường”. Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, học sinh được nêu ra. Nhưng ấn tượng hơn cả là đoạn phim ngắn của nhóm học sinh trường THCS Phan Đình Giót (Hà Nội) kêu gọi học sinh chấm dứt bạo lực học đường.
Làm phim ngắn trong một ngày
Đỗ Lê Kỳ Duyên (học sinh lớp 9A3 trường THCS Phan Đình Giót), một trong những thành viên tham gia đóng phim ngắn nói về bạo lực học đường khá tự tin khi thuyết trình. Duyên kể, nhóm bạn làm phim ngắn có khoảng 5 người. Ngay khi có ý tưởng về nội dung phim, các bạn đã chia nhau người viết kịch bản, người lo kỹ thuật, hậu trường, đạo diễn. Nội dung phim viết đến đâu nhóm bạn quay đến đó.
Phim ngắn nói về một cô bạn học cùng lớp có hoàn cảnh éo le, kém nhan sắc và thường bị ba bạn nữ trong lớp bắt nạt. Phát hiện ra sự việc, các bạn trong lớp đã tố cáo lên thầy giáo chủ nhiệm nhưng thầy không giải quyết triệt để. Cô bạn đó càng bị nhóm bạn kia đánh, xé vở, viết bậy lên bàn nhiều hơn.
Câu chuyện chỉ được giải quyết khi một thành viên trong nhóm 3 bạn đánh cô bạn này phát hiện ra hoàn cảnh éo le của cô bạn bị đánh. Họ đã có sự đồng cảm và trở thành bạn bè của nhau.
|
“Đoạn phim ngắn nói về bạo lực ở học đường dài 15 phút nhưng chúng em chỉ làm trong một ngày. Tất cả các công đoạn từ viết kịch bản đến quay đều do nhóm chúng em tự thực hiện”, Duyên nói.
“Qua clip bọn em muốn nói rằng, tuổi học trò khá ngắn, do vậy đừng để bạo lực học đường xen vào việc học tập. Bạo lực học đường cần được mọi người nhìn ở góc độ bao quát hơn để sau có những giải pháp cụ thể tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra”, Duyên chia sẻ.
Sau khi xem xong đoạn phim ngắn trình chiếu, Tùng Dương, học sinh trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân ấn tượng với nội dung phim. Khi Ban tổ chức đặt câu hỏi, nếu em chứng kiến hoàn cảnh cô bạn bị nhóm bạn cùng lớp bắt nạt em sẽ làm gì? Tùng Dương trả lời dí dỏm: “Hằng ngày em sẽ đi học cùng cô bạn bị đánh. Mỗi ngày lên lớp em sẽ ngồi cùng bạn để bảo vệ cô bạn đó”.
Còn Phương Anh, học sinh trường THCS Phan Đình Giót nói: “Khi thấy sự việc em sẽ bí mật mách thầy cô can thiệp. Việc làm này vừa có thể giúp bạn, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân mình”.
Học sinh thiếu buổi chia sẻ về bạo lực học đường
Tiến sĩ Tâm lý học Đỗ Thu Hằng cho hay, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Trước đây, học trò đánh nhau, thầy cô giáo có quyền xử phạt học sinh. Nhưng bây giờ, học trò còn đánh lại cả thầy cô. Các bạn nữ tham gia vào những vụ bạo lực cũng nhiều hơn.
Thời trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người dân nhìn bạo lực học đường ở mức độ bình thường. Nhưng ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải nhanh tất cả các vụ bạo lực ấy đến cho người xem. Người dân có cảm giác bạo lực học đường đang gia tăng chóng mặt.
Buổi đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường” thu hút hàng trăm học sinh ở các trường THCS ở Hà Nội
Theo tiến sĩ Hằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bạo lực học đường do ở lứa tuổi này học sinh có sự thay đổi về chất nên dẫn đến sự thay đổi về tâm lý. Nhiều em thích thể hiện sức mạnh của mình, có nhu cầu muốn người khác thừa nhận mình. Chính vì vậy ở lứa tuổi này các em thường bồng bột hơn, có nhiều hành động bột phát. Nhiều khi các em chỉ nhìn bạn khác ngứa mắt là muốn gây gổ đánh nhau. Các em thích làm những điều mình nghĩ mà không quan tâm đến hậu quả, những người xung quanh.
"Tôi ví dụ, gần đây nhất khi tôi ra đường có người đàn ông có hành động trêu ghẹo thô lỗ, lúc đó tôi cũng chỉ muốn học võ và đạp cho người đó mấy cái. Đúng là trong mỗi người có bản năng tự vệ nhưng phải biết kiềm chế. Hiện nay, bạo lực học đường đã làm ảnh hưởng đến văn hóa học đường. Vì vậy, học sinh khi đến trường phải có kiến thức trang bị cho bản thân mình ở mọi lĩnh vực" - bà Hằng nói.
Tiến sĩ Hằng cho hay, giải pháp để hạn chế bạo lực học đường chính là ở bản thân học sinh. Trước tiên, các em phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để khi bị bạn bè bắt nạt, trêu ghẹo có thể xử lý linh hoạt. Về phía gia đình, thường xuyên giáo dục con, chia sẻ cho con những tình huống bạo lực trong học đường có thể xảy ra và có giải pháp khắc phục.
Phía nhà trường cần tổ chức nhiều buổi chia sẻ, giao lưu với các em học sinh. Như vậy, học sinh sẽ có thêm kiến thức về bạo lực học đường và có nhìn nhận khác.
Chương trình đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường” do Trung ương Đoàn, UNESCO, UNICEF và Plan International phối hợp tổ chức.
Đức Nguyễn
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét