
Ngày 27/12/2013, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị Công tác quản lý và phát triển dược liệu toàn quốc: Đẩy mạnh nuôi trồng, sản xuất, sử dụng dược liệu Việt Nam. Tham dự Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; GS.TS. Lê Quang Cường, Thứ trưởng Bộ Y tế; đại diện các cục, vụ, viện Bộ Y tế; đại diện các sở, ban ngành tỉnh Quảng Ninh; các cơ quan truyền thông trung ương và địa phương….
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết nhu cầu sử dụng dược liệu trong nước là rất lớn nhưng nguồn dược liệu chủ yếu là nhập khẩu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến giá thành của dược liệu khi có biến động trên thị trường thế giới. Do đó, chủ trương của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế là phát triển nguồn dược liệu trong nước để phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Để tăng cường công tác quản lý và phát triển dược liệu trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị cần có giải pháp tổng thể từ khâu nuôi trồng, thu hái, bảo quản, chế biến, sản xuất, xuất khẩu đến sử dụng các nguồn dược liệu của Việt Nam, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như hợp tác tốt với quốc tế.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động khai thác, sử dụng nguồn cây thuốc tự nhiên và trồng trọt ở Việt Nam; đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác bền vững và sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam; phối hợp giữa các bộ, ngành trong công tác quản lý dược liệu.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm nên có nguồn tài nguyên động thực vật phong phú và đa dạng với khoảng 10.350 loài thực vật bậc cao, 800 loài rêu, 600 loài nấm và hơn 2.000 loài tảo. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, cả nước ghi nhận được 3.948 loài thực vật và nấm lớn, 52 loài tảo biển, 408 loài động vật và 75 loại khoáng sản có công dụng làm thuốc. Trong tổng số 3.948 loài cây thuốc, gần 90% là cây thuốc mọc tự nhiên tập trung chủ yếu trong các quần xã rừng, chỉ có gần 10% là cây thuốc trồng.
Trong những năm qua, công tác quản lý dược liệu đã đạt được những thành tựu quan trọng như đã tiến hành khảo sát, đánh giá sự phân bố của dược liệu đã đạt được những thành tựu quan trọng tạo tiền đề xây dựng Danh mục cây thuốc Việt Nam, Danh mục động vật làm thuốc, Danh mục khoáng vật làm thuốc, Danh mục các loài cây thuốc có khả năng khai thác, Danh mục cây thuốc bị đe doạ cần bảo vệ ở Việt Nam. Công tác bảo tồn nguyên liệu dược bước đầu đã có những kết quả nhất định.
T. T
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét