THANH MENU TRANG CHỦ

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Những “hậu duệ” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu

(CATP) Vùng đất Bạc Liêu được xem là cái nôi của đờn ca tài tử. Ngoài nhạc sĩ Cao Văn Lầu còn nhiều soạn giả khác cũng xuất thân từ mảnh đất này, tạo nên tên tuổi trong làng đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ. Họ thừa nhận rằng, tuy chưa gặp mặt nhạc sĩ Cao Văn Lầu nhưng đã là “hậu duệ” của ông, bởi được sinh trưởng từ cái nôi của đờn ca tài tử.



Kỳ 1: SOẠN GIẢ YÊN LANG - BẬC THẦY CẢI LƯƠNG “KIẾM HIỆP KỲ TÌNH”

Soạn giả Yên Lang (tên thật là Nguyễn Ngọc Thanh, SN 1940 tại Giồng Me, Cầu Kè, Bạc Liêu, nay là TP.Bạc Liêu) là tác giả của những vở cải lương nổi tiếng: Manh áo quê nghèo, Đêm lạnh chùa hoang, Tâm sự loài chim biển, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Khi rừng thu thay lá, Người phu khiêng kiệu cưới... 

HẾT MÌNH VỚI NGHỆ THUẬT

Nhắc đến thành công của mình trong việc cống hiến cho cải lương Nam bộ, soạn giả Yên Lang khiêm tốn: “Tôi chưa từng gặp nhạc sĩ Cao Văn Lầu, nhưng vẫn ảnh hưởng ông bởi được sinh trưởng ở vùng đất Bạc Liêu. Lúc còn đi học, tôi đã có nhiều vở kịch được giải ở trường”. 

Năm 16 tuổi, ông rời quê lên Sài Gòn học tại trường Trung học Tân Thịnh. Thời gian này, ông tự nhận mình là “bạch diện thư sinh” sáng tác những bài thơ gởi cho các tòa soạn báo kiếm sống. Những lần ngồi uống cà phê bàn luận về thơ ca, thi phú, ông thân thiết với ký giả Phong Vân và nhà thơ Hoài Ngọc. Qua trò chuyện, ký giả Phong Vân hướng anh học trò nghèo có khiếu văn nghệ sang sáng tác cải lương. Được sự khuyến khích tận tình của đàn anh, chàng thư sinh Ngọc Thanh tạo bước ngoặc trong cuộc đời mình với tên Yên Lang được nhiều người biết đến. 

Để bắt tay sáng tác vở tuồng cải lương, Yên Lang tự mày mò học hỏi. Nhờ có năng khiếu nghệ thuật bẩm sinh, chẳng bao lâu ông thông thạo “hò, xê, xang, liếu, xự” và bắt tay sáng tác các vở tuồng thể loại kiếm hiệp kỳ tình. Ban đầu, ông cộng tác với đoàn cải lương Song Kiều viết chung với soạn giả Nguyễn Liêu hai vở khá nổi tiếng bấy giờ là Nắng chiều lên cổ tháp và Bếp lửa chiều ly biệt. Cảm phục tài năng của anh học trò có khiếu nghệ thuật, cô đào chánh Kiều Oanh, con gái ông chủ đoàn đem lòng yêu mến. Đáp lại, Yên Lang thú thật, con tim ông thổn thức trước tài hoa của cô đào chánh. Thế là ông chủ đoàn đồng ý cho con gái sánh bước cùng anh soạn giả trẻ. 
Bà Lê Thị Ái Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tặng lưu niệm soạn giả Yên Lang trong buổi giao lưu năm 2013 
Khát khao dấn thân vào con đường nghệ thuật, ông luôn ấp ủ sân khấu lớn để được cống hiến. Sau hai vở tuồng thành công viết chung với soạn giả Nguyễn Liêu, ông sáng tác tuồng Đường về quê ngoại hay còn gọi Manh áo quê nghèo gây tiếng vang, vì lấy nhiều nước mắt của khán giả. Lúc đó ông mới 23 tuổi. Đoàn Song Kiều đi đến đâu, khán giả đều yêu cầu tái diễn vở cải lương trên. 
Trong một lần đoàn diễn ở miền Trung, bầu Long của đoàn Kim Chung cảm kích trước tài năng của Yên Lang, liền nhắn: “Khi nào về Sài Gòn đến gặp tôi nhé”. “Lúc đó, tôi vui lắm. Đoàn Kim Chung hay diễn trên những sân khấu cải lương lớn. Do đó, soạn giả, nghệ sĩ được cộng tác với đoàn là một vinh dự. Sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi quyết định về “đầu quân” cho Kim Chung để phát triển nghề. Lúc đó, cha vợ tôi giận lắm, tôi vẫn chấp nhận để phát triển nghề. Sau đó, tôi gặp vợ thuyết phục. Kiều Oanh lén lấy hai bộ đồ theo tôi” - soạn giả Yên Lang nhớ lại. 

MONG MẮC NỢ ĐỂ... TRẢ NỢ

Vào những năm thập niên 60 - 70, rất nhiều khán giả mến mộ những vở cải lương của Yên Lang. Tuồng Manh áo quê nghèo do Hùng Cường và Kim Chung làm kép chánh được diễn đi diễn lại nhiều lần. Yên Lang trở thành soạn giả có uy tín của đoàn Kim Chung và viết nhiều kịch bản cho đoàn khác, là người tạo nhiều tên tuổi cho nghệ sĩ cải lương. Lúc vở Manh áo quê nghèo ăn khách, bầu Long liền gọi ông: “Tôi vừa nhận cô đào hát ngọt lắm. Ông viết thêm nhân vật cho cô ca sĩ trẻ này nhé”. “Đó là nghệ sĩ Lệ Thủy, lúc ấy mới 15 tuổi. Tôi viết thêm vai phụ cho Lệ Thủy”-Yên Lang tâm sự. 

Hàng loạt nghệ sĩ cải lương tên tuổi gắn liền với những vai diễn trong hơn 30 tác phẩm của ông như: NSND Lệ Thủy với vai diễn Hồ Bảo Xuyên, cố NSƯT Minh Phụng vai Tần Lĩnh Sơn trong vở tuồng Đêm lạnh chùa hoang; NSƯT Phương Quang, Tấn Tài, NSƯT Minh Vương, Phượng Liên... Ngoài ra, các soạn giả trẻ được ông tận tình hướng dẫn và tạo tên tuổi như soạn giả Nguyên Thảo, con trai ông Lam Tuyền nối tiếp bước cha chuyển thể vở Lá Sầu Riêng.
Nhận xét về tác phẩm của Yên Lang, NSND Viễn Châu khẳng định: “Yên Lang là một trong những người Bạc Liêu từng được khán giả khắp nơi ái mộ. Anh đã đưa kịch bản màu sắc kiếm hiệp kỳ tình lên đỉnh cao bằng ngòi bút trữ tình sâu lắng, tạo cơ hội vàng cho nhiều nghệ sĩ trở nên nổi tiếng. Anh là bậc thầy thể loại cải lương trên”. Thành công là vậy nhưng Yên Lang vẫn khiêm tốn. Những lần về Bạc Liêu, ông tâm sự: “Tôi thấy cuộc đời mình mắc nợ tấm màn nhung sân khấu, nên mỗi lần đặt bút viết là được công chúng đón nhận. Ai từng thiếu nợ đều khổ, còn với tôi cứ mong mình mắc nợ hoài để còn được... trả nợ”. 
(Còn tiếp)
----------------

Bạc Liêu vinh danh hai soạn giả 

Nằm trong Chương trình Festival Đờn ca tài tử, 20 giờ 24-4, tại Nhà thi đấu đa năng, Liên Hiệp hội văn học nghệ thuật phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức giao lưu với soạn giả Lam Tuyền, con trai soạn giả Yên Lang và soạn giả Trọng Nguyễn. Theo Ban tổ chức, do sức khỏe không cho phép, hiện nay Yên Lang đang định cư ở nước ngoài nên không về tham gia được.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét

DANH SÁCH BLOG