THANH MENU TRANG CHỦ

Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò 'mê tít'

NHẮC ĐẾN LỊCH SỬ, NHIỀU NGƯỜI NHĂN MẶT VÀ COI ĐÓ NHƯ MÔN HỌC KHÔ KHAN, KHÓ HIỂU VỚI ĐẦY NHỮNG DẤU MỐC, SỰ KIỆN. NHƯNG CÓ NHỮNG THẦY CÔ GIÁO ĐÃ BIẾN LỊCH SỬ TRỞ THÀNH MÔN HỌC ĐƯỢC YÊU THÍCH VỚI NHỮNG CÂU THẦN CHÚ CỦA RIÊNG MÌNH.

Cô giáo “Idol” của học sinh Phan Đình Phùng
Với những câu nói bất hủ, những bài học, những câu tưởng như đùa vui nhưng lại ẩn chứa nhiều thông điệp và bài học sâu sắc, cô Lê Thị Mỹ Dung khiến học sinh Phan Đình Phùng “mê mẩn”.
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Cô Dung có cách dạy hài hước thú vị
Đảm nhiệm dạy môn Lịch sử, môn học đã trở thành nỗi sợ hãi và ám ảnh với nhiều học trò, cô Dung vẫn có những cách dạy nhẹ nhàng để khiến các em phải yêu những giờ giảng của mình. Học sinh không những không sợ, không buồn ngủ mà còn có hứng thú với môn học.
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Trong các giờ kiểm tra, giờ truy bài đầu giờ, cô Dung cũng có những tuyệt chiêu của riêng mình để khiến Lịch sử trở nên nhẹ nhàng và hóm hỉnh.
Có hẳn những trang fanpage được học trò lập ra để chia sẻ những câu chuyện về cô giáo Idol của mình. Mỗi người một câu chuyện, nhưng chẳng ai giấu được sự yêu mến và quý trọng dành cho cô giáo Mỹ Dung.
Thủ lĩnh “mát tay” của học sinh giỏi quốc gia
Những ai đã từng là học trò dưới mái trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) đều luôn mong một lần được học những tiết Lịch sử của thầy Trần Trung Hiếu.
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Thầy Hiếu được mệnh danh là thầy giáo của những giải quốc gia
20 năm đứng trên bục giảng, thầy Trần Trung Hiếu đã có gần 10 năm đảm nhiệm vai trò thủ lĩnh của đội tuyển HSG Quốc gia Lịch sử của trường THPT chuyên Phan Bội Châu.
Với kinh nghiệm cũng như tình yêu nghề, thầy luôn biết cách để thổi hồn vào mỗi bài giảng khiến học trò không thể không lắng nghe. Học trò Phan Bội Châu yêu mỗi giờ giảng và yêu luôn môn Sử tưởng như khô khan từ lúc nào không hay.
Không chỉ truyền được tình yêu môn học đến học trò, thầy Hiếu còn là người rất “mát tay” khi dạy các bạn trong đội tuyển đi thi Quốc gia. Những cái tên như Nguyễn Thanh Hải (giải Nhất quốc gia Sử năm 2007), Mai Việt Dũng (giải Nhì quốc gia Sử năm 2013) cùng nhiều cái tên thủ khoa ĐH khác sẽ mãi là niềm tự hào trong câu chuyện nghề của người thầy giáo xứ Nghệ.
Cô giáo dạy Sử bằng âm nhạc
Ở trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang) mỗi lần đến tiết học của cô giáo lịch sử Nguyễn Thị Huệ, học sinh háo hức nhiều hơn sợ hãi. Cô Huệ cho biết, khi cả lớp học về chiến thắng Điện Biên Phủ, cả lớp cùng nhau vỗ tay hát vang bài hát Chiến thắng Điện Biên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận.
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Tiết học của cô Huệ luôn khiến học sinh háo hức với bài giảng sinh động
Em Nguyễn Bích Xuân, HS lớp 12A12 hào hứng cho biết: “Giờ học lịch sử của cô Huệ lúc nào cũng sinh động và hào hứng. Từ khi cô đưa âm nhạc vào dạy lịch sử, chúng em yêu thích môn học và học cũng dễ hiểu, dễ nhớ hơn. Trước mỗi bài học, cô đều yêu cầu chúng em tìm những bài hát phù hợp nội dung, ý nghĩa của bài học. Nhờ đó, chúng em biết và thuộc được rất nhiều bài hát cách mạng, càng tự hào về lịch sử của dân tộc, thêm yêu đất nước Việt Nam”.
Cô Huệ chia sẻ, dạy lịch sử phải tạo cho các em tinh thần thoải mái, không áp lực thì các em mới yêu thích. Vì vậy, để tạo hứng thú cho HS, nhiều giáo viên trong trường đã lồng ghép kể các câu chuyện lịch sử hay ca dao, tục ngữ, hò vè, tổ chức trò chơi ô chữ để củng cố kiến thức, ứng dụng công nghệ thông tin với các đoạn phim tư liệu, khai thác tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ… 
Ngay từ khi ngồi trong ghế giảng đường, cô Huệ đã ấp ủ ước mơ sử dụng âm nhạc vào dạy học lịch sử Việt Nam. Cô Huệ nói rằng, âm nhạc là con đường gần nhất để đến với tâm hồn con người vì thế 10 năm qua, cô đã dần trải nghiệm được sự yêu thích của học sinh với những tiết học về lịch sử dân tộc của mình.
Cô giáo dạy Lịch sử xinh như hotgirl
Những bức hình của cô giáo trẻ trường Việt – Úc được chia sẻ trên mạng xã hội đã khiến cộng đồng mạng “phát sốt” với vẻ đẹp không thua kém gì hot girl. Cô Loan hiện đang là giáo viên dạy Lịch sử của trường.
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Cô Loan dạy Sử nổi tiếng xinh đẹp và phương pháp giảng dạy trẻ trung
XONG 30/4Những thầy cô dạy Lịch sử khiến học trò mê tít
Sở hữu đôi mắt biết cười, gương mặt trái xoan và một làn da trắng, cô giáo dạy Lịch sử của teen Việt – Úc khiến nhiều người không khỏi trầm trồ.
Là giáo viên trẻ, cô Loan cũng có cho mình một cách dạy rất trẻ trung, giúp học trò không còn sợ hãi với môn Lịch sử.
                                                                                                         Theo Phương Minhon/Baodatviet.vn

Gặp cô giáo đưa game Đế chế III vào môn Sử


Thấy trò chăm chú chơi game, cô xin chơi cùng. Và ý tưởng phần mềm đồ họa của game Đế chế III đã đi vào bài giảng về trận chiến Thành Cổ Loa.
Đó là cô giáo Nguyễn Thị Kim Minh, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Trần Quý Cáp (Cẩm Lệ, Đà Nẵng) bộc bạch.
Giáo viên phải luôn đổi mới
Ấn tượng đầu tiên về cô giáo Kim Minh là một người giáo viên có niềm đam mê môn Lịch sử bất tận. Khuôn mặt phúc hậu, giọng nói truyền cảm, nụ cười hiền luôn khiến người đối diện cảm thấy ấm áp và tò mò trong mỗi câu chuyện kể của cô. 
“Đó cũng là một lợi thế của người đứng lớp nhưng quan trọng hơn là phải truyền sang học trò niềm đam mê bởi chỉ mình đam mê thôi chưa đủ. Để làm được như thế đòi hỏi người giáo viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy cho phù hợp với mỗi tình huống bài giảng”- cô Minh bộc bạch.
Hơn 20 năm đứng trên bục giảng, 10 năm gắn bó với trường THCS Trần Quý Cáp, cô đã ghi dấu ấn của mình bằng cách làm lan tỏa tình yêu lịch sử nối tiếp giữa các thế hệ học trò. 
Không khô khan, không liệt kê, những sự kiện lịch sử qua cách giảng của cô trở thành một câu chuyện sống động. Và sau mỗi bài giảng, cô không bắt ép học sinh phải nhớ thuộc lòng mà cô đặt ra nhiều giả thuyết cho những tình huống, sự kiện lịch sử để cho học sinh tự nhập vai phân tích và nhìn nhận.
Cô Minh bảo: “Sau mỗi bài giảng mình phải tạo ra được cái lắng, cái đọng để học sinh thích. Và từ thích thì sẽ nhớ được lâu hơn”. Bên cạnh sự đổi mới không ngừng cùng kinh nghiệm của một giáo viên có thâm niên đứng lớp, cô giáo Minh còn là người rất ham học hỏi, tìm tòi sáng tạo. 
Còn nhớ mấy năm về trước, trong một lần đi tìm học sinh ham chơi game, bỏ bê học hành, thấy học trò mải mê chơi game không chịu trở lại trường, cô nhỏ nhẹ hỏi: “Con đang chơi trò gì bày cho cô với?”. Thế là trò bày cho cô chơi game Đế chế III. Chơi xong cô đã đưa được trò trở lại học, còn cô nảy ra ý tưởng đưa phần mềm đồ họa của game vào giảng dạy bài trận chiến Thành Cổ Loa. 
“Bài giảng ấy gần suốt cả cuộc đời đi dạy mình chưa một lần thành công. Mình đã đổi hàng chục phương pháp nhưng lần nào cũng thất bại, không thể đưa câu chuyện lịch sử ấy đến được với học trò”, cô Minh nói. Sau cả năm trời mày mò, từ mò học tiếp xúc với phần mềm đồ họa trên game đến mày mò ghép cảnh, dựng bài giảng, có khi bí quá cô gọi điện ra Hà Nội nhờ bạn bè là các chuyên gia đồ họa để học hỏi từng nút lệnh trên máy tính… 
Năm 2011, đề tài “Thành Cổ Loa và lực lượng quốc phòng” của cô Minh đoạt giải nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc do Hiệp hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. Nhưng cô Minh bảo: “Niềm vui lớn nhất của mình không phải là giải thưởng mà là sự thích thú của học sinh sau giờ học môn Lịch sử”. 
Không dừng lại ở đó, đề tài về bài dạy Nghệ thuật chiến tranh trên sông Bạch Đằng của cô cũng vừa đoạt giải ba hội thi sáng tạo ngành giáo dục thành phố. Đây là bài giảng cô đã sử dụng phần mềm game và phim hoạt hình để dựng cảnh miêu tả lại chiến thắng Bạch Đằng của quân ta.
Cô giáo Minh dạy trực quan cho học trò tài phòng học bộ môn.
Trở lại với câu chuyện học sinh chán học môn Lịch sử. Cho đến bây giờ, vấn đề dạy và học Sử không còn là chuyện mới trước mỗi năm học, mỗi kì thi tốt nghiệp các cấp, nếu không muốn nói là quá cũ. Nó bị lãng quên bởi có một thời người ta quan niệm nó là môn phụ. 
Mãi cho đến khi vị thế của môn học này quá chông chênh trong ngành giáo dục người ta mới giật mình. Một phong trào về học Sử, yêu Sử được khuấy lên nhằm cứu vãn tình thế hàng vạn học trò đang đứng trước nguy cơ "dân ta không biết sử ta". 
Trả lại vị thế cho môn Lịch sử là một việc làm cần thiết. Thế nhưng để giữ "lửa" cho sự quan tâm và tình yêu môn học này không phải chỉ là một động thái đưa nó trở thành môn học chính. Và không ai khác, chính những giáo viên bộ môn ngày ngày đứng trên bục giảng giàu tâm huyết như cô giáo Minh đóng vai trò quan trọng trong việc nhen lên và giữ ngọn lửa ấy.
Vì cái được cho học trò
Ở trường, cô Minh còn được biết đến như một người truyền lửa có cái duyên "hút" học trò. Nhiều học trò đang theo học các môn khác vì thích cách giảng của cô mà rẽ sang chọn môn của cô đi thi học sinh giỏi. Không ít trong số đó đạt được những thành tích đáng nể như em Linh Chi - một học sinh giỏi toán đoạt giải học sinh giỏi môn Sử; em Vinh, Dương… và mới đây nhất em Nhật Lệ đoạt Huy chương Vàng cuộc thi Olympic môn Lịch sử toàn quốc và đang chuẩn bị dự thi Olympic quốc tế. 
Đội ngũ học sinh giỏi của cô Minh phần lớn là những học sinh cuối cùng sau khi các thầy cô môn khác chọn đội tuyển, số còn lại mới dành cho cô Minh. Thế nhưng năm nào đội của cô Minh cũng đoạt giải cao, có năm đi thi 4 em thì 3 em đoạt giải, trong đó 2 giải nhất, một giải nhì… 
Trong số học sinh giỏi môn Sử vào trường chuyên Lê Quý Đôn và các học sinh xuất sắc đoạt giải môn Sử, học trò của cô giáo Minh luôn ghi danh hàng đầu về số lượng và chất lượng trên địa bàn quận. Không chỉ làm tốt công tác giảng dạy, cô Minh còn dày công sưu tầm các đồng tiền, tranh ảnh, tư liệu, và các hiện vật từ thời tiền sử… với hàng trăm mẫu vật quý giá. 
Cô tham mưu đề xuất với nhà trường cho thành lập phòng bộ môn để trưng bày hiện vật đã sưu tầm được, tạo không gian và điều kiện cho học sinh vào tìm hiểu trong các giờ giải lao, hoặc hoạt động ngoài giờ. Trăn trở với nghề, hiện cô đang cùng nhà trường làm hồ sơ đề nghị công nhận phòng bộ môn này đạt chuẩn. 
Dẫn chúng tôi vào tham quan thực tế, không cần đến người hướng dẫn, sự sắp đặt, bố trí các hiện vật trong phòng đã tái hiện lại cả quá trình dựng nước của ta bắt đầu từ thời Vua Hùng cho đến ngày đất nước thống nhất, non sông quy về một dải. 
Cô Minh tâm tư: “Để có được một không gian với đầy đủ hiện vật chứng minh như thế này, mình đã mất hàng chục năm trời âm thầm thu thập, sưu tầm. Mình làm để thỏa cái đam mê nghề nghiệp và thỏa mong muốn giúp các thế hệ học trò hiểu thêm về lịch sử nước nhà. Khơi dậy tình yêu lịch sử thì không khó, cái khó nằm ở chỗ giữ được ngọn lửa ấy lan tỏa ra nhiều thế hệ học trò tiếp theo”.
Nhận xét về cô giáo Minh, thầy Trần Văn Bảy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Minh không chỉ là một giáo viên giỏi năng lực chuyên môn, giàu kinh nghiệm, nhiệt tình trong công việc mà còn là một cán bộ năng nổ, sáng tạo, có nhiều tham vấn cho nhà trường trong việc phát triển môn Lịch sử.
Các sưu tầm của cô cho phòng học bộ môn là những tài liệu bổ ích, vô giá. Giáo dục lịch sử, truyền tình yêu và sự hiểu biết về lịch sử nước nhà cho học sinh không có cách nào hay bằng phương pháp trực quan sinh động. Bên cạnh đó, cô còn tận tụy như một người mẹ hiền đảm nhận việc theo dõi, khuyến khích các em học sinh yếu kém về học lực và đạo đức. Nhờ đó đã góp phần ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng trong nhiều năm qua”.
Phan Vĩnh Yên

Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

HS cấp 2 làm phim kêu gọi chấm dứt bạo lực học đường

Nhóm học sinh làm phim ngắn kêu gọi học sinh chấm dứt bạo lực học đường

Nhóm học sinh làm phim ngắn kêu gọi học sinh chấm dứt bạo lực học đường

“Qua clip bọn em muốn nói rằng, tuổi học trò khá ngắn, do vậy đừng để bạo lực học đường xen vào việc học tập. Bạo lực học đường cần được mọi người nhìn ở góc độ bao quát hơn để sau đó có những giải pháp cụ thể tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra”, Đỗ Lê Kỳ Duyên chia sẻ.
Trong cuộc hội thảo sáng 29/4 tại Bảo Tàng dân tộc Việt Nam (Hà Nội), hàng trăm học sinh đã hào hứng với chương trình đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường”. Nhiều ý kiến từ các chuyên gia, học sinh được nêu ra. Nhưng ấn tượng hơn cả là đoạn phim ngắn của nhóm học sinh trường THCS Phan Đình Giót (Hà Nội) kêu gọi học sinh chấm dứt bạo lực học đường.
Làm phim ngắn trong một ngày
Đỗ Lê Kỳ Duyên (học sinh lớp 9A3 trường THCS Phan Đình Giót), một trong những thành viên tham gia đóng phim ngắn nói về bạo lực học đường khá tự tin khi thuyết trình. Duyên kể, nhóm bạn làm phim ngắn có khoảng 5 người. Ngay khi có ý tưởng về nội dung phim, các bạn đã chia nhau người viết kịch bản, người lo kỹ thuật, hậu trường, đạo diễn. Nội dung phim viết đến đâu nhóm bạn quay đến đó.
Phim ngắn nói về một cô bạn học cùng lớp có hoàn cảnh éo le, kém nhan sắc và thường bị ba bạn nữ trong lớp bắt nạt. Phát hiện ra sự việc, các bạn trong lớp đã tố cáo lên thầy giáo chủ nhiệm nhưng thầy không giải quyết triệt để. Cô bạn đó càng bị nhóm bạn kia đánh, xé vở, viết bậy lên bàn nhiều hơn.
Câu chuyện chỉ được giải quyết khi một thành viên trong nhóm 3 bạn đánh cô bạn này phát hiện ra hoàn cảnh éo le của cô bạn bị đánh. Họ đã có sự đồng cảm và trở thành bạn bè của nhau.
“Đoạn phim ngắn nói về bạo lực ở học đường dài 15 phút nhưng chúng em chỉ làm trong một ngày. Tất cả các công đoạn từ viết kịch bản đến quay đều do nhóm chúng em tự thực hiện”, Duyên nói.
“Qua clip bọn em muốn nói rằng, tuổi học trò khá ngắn, do vậy đừng để bạo lực học đường xen vào việc học tập. Bạo lực học đường cần được mọi người nhìn ở góc độ bao quát hơn để sau có những giải pháp cụ thể tránh được hậu quả đáng tiếc xảy ra”, Duyên chia sẻ.
Sau khi xem xong đoạn phim ngắn trình chiếu, Tùng Dương, học sinh trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân ấn tượng với nội dung phim. Khi Ban tổ chức đặt câu hỏi, nếu em chứng kiến hoàn cảnh cô bạn bị nhóm bạn cùng lớp bắt nạt em sẽ làm gì? Tùng Dương trả lời dí dỏm: “Hằng ngày em sẽ đi học cùng cô bạn bị đánh. Mỗi ngày lên lớp em sẽ ngồi cùng bạn để bảo vệ cô bạn đó”.
Còn Phương Anh, học sinh trường THCS Phan Đình Giót nói: “Khi thấy sự việc em sẽ bí mật mách thầy cô can thiệp. Việc làm này vừa có thể giúp bạn, vừa đảm bảo an toàn cho bản thân mình”.
Học sinh thiếu buổi chia sẻ về bạo lực học đường
Tiến sĩ Tâm lý học Đỗ Thu Hằng cho hay, thời gian gần đây xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường. Trước đây, học trò đánh nhau, thầy cô giáo có quyền xử phạt học sinh. Nhưng bây giờ, học trò còn đánh lại cả thầy cô. Các bạn nữ tham gia vào những vụ bạo lực cũng nhiều hơn.
Thời trước, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, người dân nhìn bạo lực học đường ở mức độ bình thường. Nhưng ngày nay, các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải nhanh tất cả các vụ bạo lực ấy đến cho người xem. Người dân có cảm giác bạo lực học đường đang gia tăng chóng mặt.
 - 1
Buổi đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường” thu hút hàng trăm học sinh ở các trường THCS ở Hà Nội
Theo tiến sĩ Hằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bạo lực học đường do ở lứa tuổi này học sinh có sự thay đổi về chất nên dẫn đến sự thay đổi về tâm lý. Nhiều em thích thể hiện sức mạnh của mình, có nhu cầu muốn người khác thừa nhận mình. Chính vì vậy ở lứa tuổi này các em thường bồng bột hơn, có nhiều hành động bột phát. Nhiều khi các em chỉ nhìn bạn khác ngứa mắt là muốn gây gổ đánh nhau. Các em thích làm những điều mình nghĩ mà không quan tâm đến hậu quả, những người xung quanh.
"Tôi ví dụ, gần đây nhất khi tôi ra đường có người đàn ông có hành động trêu ghẹo thô lỗ, lúc đó tôi cũng chỉ muốn học võ và đạp cho người đó mấy cái. Đúng là trong mỗi người có bản năng tự vệ nhưng phải biết kiềm chế. Hiện nay, bạo lực học đường đã làm ảnh hưởng đến văn hóa học đường. Vì vậy, học sinh khi đến trường phải có kiến thức trang bị cho bản thân mình ở mọi lĩnh vực" - bà Hằng nói.
Tiến sĩ Hằng cho hay, giải pháp để hạn chế bạo lực học đường chính là ở bản thân học sinh. Trước tiên, các em phải trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng để khi bị bạn bè bắt nạt, trêu ghẹo có thể xử lý linh hoạt. Về phía gia đình, thường xuyên giáo dục con, chia sẻ cho con những tình huống bạo lực trong học đường có thể xảy ra và có giải pháp khắc phục.
Phía nhà trường cần tổ chức nhiều buổi chia sẻ, giao lưu với các em học sinh. Như vậy, học sinh sẽ có thêm kiến thức về bạo lực học đường và có nhìn nhận khác.
Chương trình đối thoại trẻ “Chung tay chấm dứt bạo lực học đường” do Trung ương Đoàn, UNESCO, UNICEF và Plan International phối hợp tổ chức.
Đức Nguyễn

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

Bí quyết làm bánh bao tuyệt ngon như ngoài tiệm

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Những “hậu duệ” của NS Cao Văn Lầu (kỳ 2)




Kỳ 2: Từ kép phụ đến soạn giả nổi tiếng
(CATP) Trong sự nghiệp sáng tác của mình, soạn giả Trọng Nguyễn có đến 20 vở cải lương và 200 bài ca cổ cùng một số chập, vở ngắn. Ông trở thành soạn giả nổi tiếng với các bài vọng cổ: Quê anh quê em, Ơn Đảng, Chợ mới...
>> Những “hậu duệ” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (kỳ 1)


Soạn giả Trọng Nguyễn tên thật là Nguyễn Phú Xuân (SN 1938). Khi đất nước còn trong chiến tranh, ông tham gia Đội văn nghệ Đàn Chim Việt phục vụ đồng bào Bạc Liêu. Sau đó, ông trở thành diễn viên của Đoàn văn công Cà Mau hoạt động ở vùng căn cứ rừng tràm, rừng đước Cà Mau. Nói về quãng thời gian sáng tác của mình, soạn giả Trọng Nguyễn tâm sự: “Ban đầu tôi không nghĩ mình theo con đường sáng tác. Khi làm diễn viên toàn đóng kép phụ như người già bởi ngoại hình không đẹp. Mỗi lần có vở mới, lãnh đạo đoàn phân vai, tôi thấy tủi thân bởi không thể nào vào vai kép chánh được nhưng yêu nghề đành phải chấp nhận”. Nhờ say mê, hết lòng làm nghệ thuật, soạn giả Trọng Nguyễn tích lũy được kinh nghiệm viết lời thoại, cách xây dựng cốt truyện trong một vở cải lương. Từ đó, ông trở thành người sáng tác chuyên nghiệp. Những vở cải lương như: Giọt máu oan cừu, Rừng thần... đã tạo cho ông tên tuổi trong hoạt động nghệ thuật. 




Soạn giả Trọng Nguyễn
Sau đó, hàng loạt bài vọng cổ: Quê anh quê em, Chợ mới, Bà mẹ và sân chim, Giận hờn, Bên sông Vàm Cỏ, Giọt sữa cuối cùng, Ơn Đảng... do nhiều nghệ sĩ nổi tiếng Minh Vương, Phương Bình, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Trọng Hữu... thể hiện đón nhận sự nồng nhiệt của khán thính giả. Khi đặt bút viết, ông luôn tâm niệm vọng cổ không phải là thơ, không phải văn xuôi, mà thuộc loại văn chương biền ngẫu. Nhưng vọng cổ phải có thơ, có văn, có nhạc, người viết phải chú ý từ vừa tượng thanh vừa tượng hình, tựa như mình kể một câu chuyện bằng loại ngôn ngữ biền ngẫu chỉ 4 hay 6 câu vọng cổ. 


Theo soạn giả Trọng Nguyễn, mỗi bài hát như lời tri ân của ông đối với làng quê và đồng đội trong những ngày bom lửa. Tuy nhiên, để có bài vọng cổ hay, phải có cảm xúc. Trong một lần đi công tác huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, ông nghe được câu chuyện nữ du kích Nguyễn Thị Tư hy sinh anh dũng. Khi bị giặc bắt và đem ra pháp trường hành quyết, chị Tư không hề khiếp sợ ôm đứa con gái vào lòng cho ngậm những giọt sữa cuối cùng. Giặc nã nhiều phát đạn vào chị. Hòa bình lập lại, đứa con gái mồ côi của chị Tư lâm vào cảnh nghèo khó, không được xem xét hưởng chế độ. Soạn giả Trọng Nguyễn đến tận nhà chị Tư. Bài vọng cổ Giọt sữa cuối cùng được viết trong đêm trên trang giấy thấm đẫm nước mắt của tác giả. Sau đó, ông lại khăn gói đến từng cơ quan kêu gọi sự giúp đỡ con gái của người du kích anh hùng. Ba tháng sau khi bài hát phổ biến, chị Tư được công nhận liệt sĩ, chính quyền địa phương cất nhà tình nghĩa và đưa thi hài chị Tư về nghĩa trang liệt sĩ. 



Phong trào đờn ca tài tử ở Bạc Liêu
Bài Bà mẹ Đông Hưng kể câu chuyện người chiến sĩ lén về thăm vợ ở huyện Lấp Vò, Đồng Tháp bị giặc phục kích bắn chết. Hay tin dữ, vợ bơi xuồng tìm xác chồng trong mưa gió, đứa con lớn lên không biết mặt cha... Khán giả yêu mến tài tử Nam bộ không ai không biết bài ca Chợ Mới. Thế nhưng để có bài hát này, ông nhiều lần tìm đến An Giang qua Chợ Mới nhưng không tìm ra được cảm xúc. Một lần, ông quay trở lại Chợ Mới, bất chợt nhìn cô gái ngồi giặt áo bên chiếc cầu dưới bực sông đã bật cho ông cái tứ “Cái chợ có hồi nào và bao nhiêu tuổi, mà ai cũng  gọi là Chợ Mới quê hương, ở nơi đó, tôi có một người thương, cứ chiều chiều nàng ra bờ sông ngồi giặt áo...”. Trong một đêm, bài vọng cổ Chợ Mới được hoàn thành. 


Ông thú thật, một số tác phẩm có cảm xúc hoàn thành ngay nhưng nhiều đề tài được ông ấp ủ hai năm mới hoàn chỉnh. Lúc đứng vào hàng ngũ Đảng giơ tay tuyên thệ trước Đảng kỳ, ông háo hức ấp ủ đề tài. 20 năm sau, chuỗi cảm xúc đó ông mới sáng tác xong bài Ơn Đảng được NSƯT Minh Vương thể hiện rất thành công. Hay như bài Đôi mắt viết được một ít lại “tắt”. Một năm sau, tình cờ ông đến nơi nghệ sĩ Mỹ Châu trang điểm, nhìn thấy mình trong gương, ông bật lên câu “Buổi sáng vô tình nhìn em chải tóc, gương cũng vô tình nên hai đứa soi chung”. Và bài hát hoàn thành ngay sau đó. Từ năm 2002, do sức khỏe ông không còn sáng tác.



Khi chia tách tỉnh Minh Hải thành hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu, ông về Bạc Liêu công tác và giữ nhiều chức vụ khác nhau. Thế nhưng, nhắc đến ông, người ta vẫn nhớ ông là soạn giả chuyên nghiệp với tác phẩm còn mãi với thời gian.  
THIỆN THẢO

Đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa: Quá sơ sài

TT - GS Đào Trọng Thi bày tỏ sự thất vọng như vậy về việc tới thời điểm sát nút để trình Quốc hội nhưng Bộ GD-ĐT lại chuẩn bị quá sơ sài và phải xin lùi việc trình đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa phổ thông.


 Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 25-4, ngay sau khi Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận xin lùi thời gian trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình - sách giáo khoa (SGK) phổ thông, GS Đào Trọng Thi - chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói:
- Tôi rất tiếc là bộ phận giúp bộ trưởng Bộ GD-ĐT chuẩn bị hồ sơ trình lần này đã không nắm được là một bộ hồ sơ phải có những gì, đáp ứng các yêu cầu nào. Chính vì thế, tại phiên họp mới đây, Thường vụ Quốc hội cho rằng hồ sơ do Bộ GD-ĐT được Chính phủ ủy quyền trình quá sơ sài và cho tới thời điểm này nếu vẫn tiếp tục trình Quốc hội kỳ họp tới thì sẽ phải bổ sung rất nhiều.
Hiểu chưa đúng
* Vậy hồ sơ mà Bộ GD-ĐT chuẩn bị, dự kiến sẽ trình Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội thẩm tra, theo ông, còn thiếu và chưa đạt yêu cầu ở những điểm nào?
- Hồ sơ Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa có báo cáo tổng kết việc thực hiện nghị quyết 40. Bộ trưởng Bộ GD-ĐT có giải thích vì trước đó Thường vụ Quốc hội đã có một cuộc giám sát thực hiện nghị quyết này. Nhưng đó chỉ là một căn cứ tạo điều kiện cho Bộ GD-ĐT thôi chứ không thay thế báo cáo tổng kết do Bộ GD-ĐT trực tiếp làm theo đúng quy trình rà soát, tổng kết từ cơ sở đến các hội nghị các cấp được.
Bên cạnh đó, báo cáo tác động thì quá sơ sài, có vài trang giấy. Cả dự thảo đề án đổi mới chương trình - SGK cũng không đáp ứng yêu cầu, trình bày chưa đầy đủ, thuyết phục. Đặc biệt dự thảo đề án thiếu hẳn phần dự kiến kinh phí thực hiện. Con số mà Bộ GD-ĐT công bố tuần trước là con số không chính thức. Và khi dư luận xôn xao, bức xúc thì mới rõ đó chỉ là con số do các nhóm chuyên gia đề xuất.
* Ông cho rằng có nhiều nội dung cần có thời gian dài để thực hiện, như vậy việc Bộ GD-ĐT chuẩn bị chưa đạt là do khó khăn khách quan?
- Ở thời điểm này, nếu phải hoàn thiện thì không có thời gian để kịp trình Quốc hội vào tháng 5 tới. Nhưng đó không phải khó khăn khách quan vì thực tế Bộ GD-ĐT đã có khoảng thời gian rất dài để có thể hoàn thành yêu cầu về hồ sơ. Nhưng do những người thực hiện ngay từ đầu không nắm được yêu cầu nên đã không chuẩn bị. Tới giữa tháng 4 mới báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cuối tháng 4 mới báo cáo Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng nên sau khi được góp ý mới không còn thời gian chuẩn bị cho đợt này nữa.
* Ông đánh giá như thế nào về trách nhiệm của những người có liên quan khi để hồ sơ này phải lùi thời gian trình Quốc hội?
- Những sơ suất, thiếu sót này rất đáng tiếc. Vì lẽ ra khi chuẩn bị một hồ sơ lại liên quan tới việc hệ trọng của quốc gia thì những việc đầu tiên phải tìm hiểu xem yêu cầu tối thiểu để chuẩn bị một hồ sơ là thế nào, cần thực hiện nó trong bao lâu. Nhưng ngay cả bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng còn có những cái hiểu chưa đúng.
Ví dụ như bộ trưởng đặt ra vấn đề đợt này chỉ trình Quốc hội để xin chủ trương nên không chuẩn bị chi tiết. Cần phải hiểu đúng rằng việc ban hành nghị quyết về đổi mới chương trình - SGK phổ thông là “tạo một khung pháp lý mới” cho việc thực hiện đề án. Khung pháp lý này có thể khác với quy định trong Luật giáo dục hiện hành. Nhưng để Quốc hội có nghị quyết thì phải cho Quốc hội thấy đề án đổi mới đó như thế nào, điều kiện thực hiện, trong đó có điều kiện kinh phí ra sao, để đánh giá được tính khả thi, hiệu quả của đề án. Việc đó không làm được thì sao Quốc hội có cơ sở để xem xét ban hành nghị quyết? Ở đây tôi muốn nói tới quan điểm của người đứng đầu ngành GD-ĐT như vậy cũng phải rút kinh nghiệm.
Phải làm lại
* Về vấn đề kinh phí thực hiện đề án đổi mới giáo dục, tuy chưa chính thức nhưng đó là con số mà bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết của các nhóm chuyên gia đề xuất. Vậy ông có ý kiến gì về mức tiền, cách phân chia khoản chi cho đề án đổi mới chương trình - SGK mà người của Bộ GD-ĐT từng phát ngôn với công luận?
- Trong năm khoản chi mà người của Bộ GD-ĐT từng công bố mới đây trong gói tiền hơn 34.000 tỉ đồng, tôi chỉ thấy có hai khoản liên quan trực tiếp tới việc đổi mới chương trình - SGK phổ thông, đó là tiền chi cho viết chương trình - SGK và tiền tập huấn cán bộ, giáo viên. Còn các khoản chi cho thiết bị dạy học, đào tạo giáo viên, tăng cường năng lực công nghệ thông tin... không phục vụ trực tiếp cho đề án và là mục tiêu đầu tư lâu dài mang tính chiến lược nhằm nâng cao chất lượng.
Khi góp ý cho đề án này, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng đã đề nghị phải thiết kế chương trình - SGK đáp ứng điều kiện thực tế của đa số cơ sở giáo dục của các địa phương. Dĩ nhiên có một số cơ sở, địa phương khó khăn cần hỗ trợ để thực hiện đổi mới nhưng số này chỉ nên ở khoảng 10% thôi. Và kinh phí cho việc thực hiện này là yêu cầu tối thiểu, cần đầu tư ngay. Còn kinh phí để nâng chất lượng giáo dục thì phải có lộ trình dần dần từng bước và phù hợp với điều kiện của đất nước. Việc đầu tư cho điều kiện dạy học để nâng dần chất lượng liên quan tới việc đào tạo giáo viên và cơ sở vật chất, chúng tôi đã từng đề nghị phải tách riêng ra hai đề án khác.
Tôi nghĩ nếu Bộ GD-ĐT tách bạch các khoản chi và làm rõ những kinh phí tối thiểu cần có và kinh phí đầu tư lâu dài thì dư luận sẽ không bức xúc như thời gian qua.
* Theo ông, việc lùi thời gian trình hồ sơ đổi mới chương trình - SGK phổ thông lần này có ảnh hưởng gì tới tiến trình đổi mới căn bản toàn diện mà nghị quyết trung ương đã thông qua? Thời gian tới cần phải làm gì để khắc phục thiếu sót như đã xảy ra?
- Việc chậm thực hiện đổi mới ngày nào thì những bất cập của giáo dục sẽ chậm đổi mới ngày đó. Trong thời gian tới, Bộ GD-ĐT với vai trò thường trực của đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông sẽ phải nỗ lực để hoàn chỉnh những nội dung theo đúng yêu cầu đặt ra. Các cơ quan của Quốc hội sẽ tạo điều kiện tối đa cho Bộ GD-ĐT như việc tiến hành thẩm tra, góp ý, cố gắng để có thể trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Việc đổi mới cần càng sớm càng tốt nhưng quan trọng vẫn là chất lượng. Chất lượng chưa tốt thì sẽ phải làm lại.
VĨNH HÀ thực hiện
Bộ GD-ĐT xin lùi việc trình đề án đổi mới chương trình - SGK
Sáng 25-4, tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết đã có văn bản xin lùi thời gian trình Quốc hội đề án đổi mới chương trình - SGK và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý vì lý do “cần có thêm thời gian để chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ, chờ Chính phủ thẩm định dự thảo đề án trước khi trình Quốc hội” theo góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua.
Ông Luận cũng giải thích việc chuẩn bị hồ sơ trình Quốc hội lần này với mục đích xin Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết chủ trương đổi mới chương trình - SGK phổ thông, nhưng trong nội dung chuẩn bị chưa có phần dự kiến kinh phí thực hiện đề án. Bộ GD-ĐT đã lắng nghe ý kiến góp ý của Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội về việc cần bổ sung nội dung kinh phí và hồ sơ. Một trong những công việc phải tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới là xây dựng kinh phí thực hiện, mời các bộ liên quan thẩm định, xin ý kiến rộng rãi và trình Chính phủ... Vì thế Bộ GD-ĐT quyết định chủ động xin lùi thời gian trình Quốc hội kỳ họp tháng 5 tới và mong muốn sẽ bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để có thể trình Quốc hội ở kỳ họp cuối năm 2014.

Đẹp nao lòng sắc phượng sớm trên vùng trời Tây Bắc

Đi qua tháng 3 mùa hoa ban nở trắng, trời Tây Bắc tháng 4 lại được nhuộm một màu đỏ rực của “cánh phượng hồng ngẩn ngơ” khoe sắc sớm.
Tây Bắc mùa này hấp dẫn du khách không chỉ bởi những nét văn hóa độc đáo mà chính bởi cảnh sắc vừa kỳ vĩ, tráng lệ lại rất đỗi thơ mộng, trữ tình. Đến đâu cũng là thiên đường với đủ loại hoa hội tụ. Tây Bắc tháng 4 càng đẹp tới nao lòng khi được “nhuộm” một màu đỏ rực của phượng vĩ khoe sắc sớm.
Nếu ở miền xuôi, hoa phượng thường nở rộ vào mỗi tháng 5, tháng 6 thì ở vùng núi Tây Bắc mùa phượng vĩ tới sớm hơn, thường vào trung tuần tháng 4.

Phượng khoa sắc thắm giữa bầu trời Tây Bắc tháng 4
Thật ngỡ ngàng, đan xen giữa những dãy núi hùng vĩ, trùng điệp là những “cánh hoa của tuổi học trò” vươn lên khoa sắc, khiến trời Tây Bắc trở nên đẹp mê hồn.
Vẻ rực rỡ của phượng vĩ tháng 4 hòa cùng sự hùng vĩ của đất trời Tây Bắc
Sắc rực thắm của “cánh phượng hồng ngẩn ngơ” giữa trời tháng 4 Tây Bắc như vương vào nỗi nhớ, đưa ta về với miền ký ức, kỷ niệm của một thời “nhất quỷ nhì ba” với “chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng”…
Bắt gặp sắc đỏ của phượng vĩ đầu mùa nơi vùng trời Tây Bắc trong cái nắng gắt 40 độ C, chợt nhận ra Hè đã chính thức sang.
Cùng Infonet ngắm vẻ đẹp rực rỡ của phượng vĩ giữa trời Tây Bắc tháng 4:
"Những cánh phượng hồng ngẩn ngơ" đã làm xao xuyến bao trái tim thế hệ học trò
Hoa phượng nở báo hiệu hè về kèm theo những tiếng ve kêu râm ran.
Từng cành hoa phượng đỏ rực rung rinh trong gió hè.
.... Và in dấu trong ráng chiều Tây Bắc
Thành Nam - Nguyễn Hoài

Cô gái Việt bé nhỏ chinh phục đỉnh Havard


Lã Hồ Thị Minh Khuê, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam vừa nhận được học bổng trị giá 320.000 đô la tại ĐH Harvard.

Khi giới thiệu Lã Hồ Thị Minh Khuê, thầy Khải, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 chuyên toán 1 trường THPT Hà Nội - Amsterdam, trìu mến xoa đầu cô gái bé nhỏ và nói: “May mà Havard không đặt ra tiêu chí chiều cao, nếu không thì em Khuê trượt”.
Nhập mô tả cho ảnh
Lã Hồ Thị Minh Khuê- Ảnh: Lê Thanh Tùng.
Đa tài
Minh Khuê là con gái của nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu (Thời báo Ngân hàng). Ngoài học giỏi, cô gái này còn rất đa tài. Năm 2010, Khuê đoạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc.
Tháng 6/2013, Khuê thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật, đó là đêm hòa nhạc Giai điệu mùa hạ với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc giao hưởng nhà hát nhạc Vũ kịch và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên Tình yêu của tôi trưng bày 22 tác phẩm hội họa.
Thành công của hai dự án đó đã giúp Khuê gom được nguồn quỹ nho nhỏ để gây dựng 22 tủ sách cho một dự án sách hóa nông thôn.
Gia đình Khuê có hoàn cảnh khá đặc biệt. Bố mẹ chia tay nhau khi cô còn bé. Cô rất nhạy cảm, nhưng cũng giàu ý chí vươn lên. Trong suốt 12 năm học phổ thông, thỉnh thoảng, cô lại làm cho mẹ đứng tim khi cứ tự đặt ra cho mình những thử thách để vượt qua.
“Năm lớp 6, khi đó em còn nhỏ nên việc chọn học lớp chuyên Anh của trường THCS Giảng Võ là theo định hướng của mẹ. Em cũng đồng ý rằng, đó là một lựa chọn sáng suốt, bởi trong một thời đại cảm hứng toàn cầu như hiện nay, muốn hòa nhập tốt với bạn bè quốc tế, thì sở hữu một khả năng tiếng Anh giỏi là chiếc chìa khóa vàng.
Tuy nhiên, ngay từ bé, em đã rất yêu toán học. Trong quá trình học, em may mắn được học và tiếp xúc với những thầy cô giỏi và truyền cho em niềm đam mê toán học, trong đó có cô giáo Đoàn Thị Nụ - người dạy em 4 năm THCS.
Em dành nhiều thời gian với toán và nhận ra vẻ đẹp của môn học, để rồi đam mê nó. Đó là lý do dù đang có những thành tích vượt trội về tiếng Anh, từng đoạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, em vẫn quyết định thi vào chuyên toán của trường Ams”, Khuê tâm sự.
Thoạt tiên, Khuê chỉ đỗ lớp toán 2. Với mục tiêu du học được đặt ra từ khá sớm, lẽ ra nữ sinh này có thể an phận để tập trung chuẩn bị cho việc có một bộ hồ sơ đẹp, nhưng cô lại tiếp tục vượt qua thử thách thi vào lớp toán 1. Theo Khuê, nếu chỉ làm những gì có lợi cho việc du học, như tập trung thi chuẩn hóa (SAT, SAT II, TOEFL…) và đạt điểm tổng kết các môn trên lớp cao (GPA) thì vẫn chưa đủ.
Đam mê
“Em hiểu nền giáo dục đại học Mỹ trân trọng tất cả những ai biết cố gắng vì sự đam mê của chính mình. Em thích học toán nên em muốn thử sức mình trong những tình huống khó mà môn học đưa ra. Toán học giúp ta nhận biết nhiều quy luật khách quan chứ không chỉ là những con số khô khan khó hiểu.
Không riêng với môn toán, khi tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục khác, em không hề nghĩ đến chữ du học mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là công việc mình muốn làm, muốn dấn thân và cần phải cố gắng. Cách đây hơn chục năm, khi lần đầu tiên bước vào các lớp học đàn, học vẽ, em không đâu có hình dung được rằng, đó cũng chính là điểm bắt đầu của con đường đưa em đến cổng trường Havard”, Khuê chia sẻ.
ĐH Havard đã ghi nhận những cố gắng của Khuê bằng cách tặng cho cô suất học bổng trị giá 320.000 USD/4 năm học (bao gồm học phí, tiền sinh hoạt, tiền bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi Mỹ - Việt 2 lần/năm…), chưa kể chi phí cho gia sư những môn nghệ thuật mà Khuê cần tới.
Bạo gan lựa chọn Havard, Khuê cho biết, em không bị cuốn hút bởi danh tiếng của trường này.
Khi được hỏi từng có một cuốn sách Em phải đến Havard để học kinh tế, em không học kinh tế thì đến Havard làm gì, phải chăng vì danh tiếng của nó, Khuê đáp: “Cuốn sách đó được một bà mẹ người Trung Quốc viết từ năm 1998. Thời điểm ấy, nhận thức, quan điểm về việc đến Mỹ học đại học của người dân châu Á nhìn chung khác với bây giờ.
Em muốn học ngoại giao và nghệ thuật ở Havard không chỉ vì ngôi trường này là nơi hoàn hảo để đào tạo ra những nghệ sỹ lớn, những nhà ngoại giao danh tiếng. Em chọn Havard trước hết bởi triết lý giáo dục của Harvard rất phù hợp với những gì em được dạy dỗ: “Chúng ta cần học để phát triển tố chất, chứ không phải vì có tố chất sẵn có mới được học”.
Theo Tiền Phong

Ngắm tiên cảnh Đài Loan Alisan tại Vương Quốc Tôm

NHỊP SỐNG

Nếu như Nhật Bản có ngọn núi Phú Sĩ nổi tiếng thì Đài Loan có núi Alisan vốn được nhiều du khách ưu ái tặng phong danh hiệu “tiên cảnh trong đời thực”.

Người Sài Gòn giờ đây có thể vừa thưởng thức ẩm thực vừa ngắm bức tranh tiên cảnh trứ danh ấy tại nhà hàng Vương Quốc Tôm (13 Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM).
Nhập mô tả cho ảnh
Tiên cảnh Alisan thơ mộng ở Đài Loan.
Một trong những yếu tố thu hút nhiều du khách đến núi Alisan là đoạn đường sắt xuyên rừng có trên 70 năm tuổi. Đây cũng là một trong những đoạn đường sắt xuyên rừng hiếm hoi còn lại trên thế giới. Ngày nay nó đã được sử dụng để phục vụ du khách như một phần thú vị không thể thiếu của thiên đường du lịch Alisan.
Tháng 3 đến tháng 4 là thời điểm hoa anh đào nở rực rỡ trên núi Alisan, đây cũng chính là khoảng thời gian lý tưởng nhất để du khách đến tham quan Alisan.
Nhập mô tả cho ảnh
Núi Alisan đẹp tuyệt vời vào mùa hoa anh đào nở.
“Tiên cảnh xứ Đài” thơ mộng này đã được nhà hàng Vương Quốc Tôm tái hiện lại để tất cả thực khách đến đây ăn uống có thể mục sở thị tác phẩm tuyệt vời từ thiên nhiên mang tên Alisan.
Nhờ đó, ngay từ bây giờ, khi đến thưởng thức ẩm thực tại nhà hàng, thực khách sẽ được hòa mình vào không gian văn hóa - ẩm thực Đài Loan với các món ăn đặc trưng xứ Đài cùng bức tranh núi Alisan tuyệt đẹp được vẽ bằng tay trực tiếp lên tường một cách sinh động.
Nhập mô tả cho ảnh
Khung cảnh núi Alisan vào mùa hoa anh đào được tái hiện sinh động tại nhà hàng Vương Quốc Tôm.
Nhập mô tả cho ảnh
Bức tranh đoàn tàu trên núi Alisan sáng rực dưới ánh đèn vào ban đêm.
Nhà hàng Vương Quốc Tôm sẽ là không gian ẩm thực lý tưởng dành cho các thực khách yêu mến vùng lãnh thổ Đài Loan tươi đẹp.

DANH SÁCH BLOG