Xã Trung Thành (Vũng Liêm) có trên 4.100 phụ nữ (PN) từ 18 tuổi trở lên; trong đó có gần 1.100 chị là hội viên (HV) Hội PN. Nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới mà trước hết là các tiêu chí thu nhập, giảm nghèo bền vững và lao động có việc làm thường xuyên. Từ những nhiệm vụ vừa nêu, thời gian qua Hội PN xã Trung Thành đã có sự quan tâm đặc biệt đến việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, để tăng thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình. Vì thế, trong nhiệm vụ hàng năm, Hội PN xã luôn có kế hoạch và giải pháp thực hiện mục tiêu trên cho cơ sở Hội ở các ấp. Theo đó, để HV và chị em PN có được nhận thức tích cực hơn và thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; Hội PN xã đã đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng từ trong HV đến chị em PN quần chúng; đồng thời kết hợp lồng ghép nội dung trên với các phong trào khác của Hội và của các ban, ngành địa phương. Với cách làm trên đây, từ đầu năm 2013 đến nay, PN xã Trung Thành đã tổ chức hàng chục cuộc tuyên truyền trong chị em PN về việc tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, nhằm tăng thu nhập cho gia đình và bản thân. Có hơn 2.000 lượt cán bộ HV và chị em PN tham dự trong đó có nhiều HV và chị em PN người Khmer. Song song với công tác tuyên truyền vận động, Hội PN xã Trung Thành còn kết hợp ngành chức năng chuyển giao khoa học kỹ thuật trên cây trồng, vật nuôi cho lao động nữ trong nông nghiệp. Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, Trung Thành đã mở được 5 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật; trong đó có 3 cuộc về kỹ thuật chăm sóc đàn bò cho 80 nông dân; trong số này có không ít chị em PN. Mặt khác, với các nguồn vốn ủy thác của các Ngân hàng, vốn xoay vòng… Từ năm 2013 đến nay, Hội đã tham gia giải ngân gần 9 tỷ đồng hỗ trợ giải quyết việc làm cho 1.147 lao động nữ. Điều đáng chú ý nữa là ngoài những việc làm vừa nêu, Hội PN còn kết hợp các ngành chức năng vận động xây dựng nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng vật nuôi, nhằm tạo thêm thuận lợi để lao động nữ và nông dân địa phương tiếp cận, học tập và làm theo.
Với sự quan tâm trên đây, từ năm 2014 đến nay Hội PN xã này đã đóng góp nhiều vào việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi ở địa phương. Trong cùng thời gian trên, chị em PN đã tham gia trồng mới, cải tạo vườn kém hiệu quả được 5ha, gieo trồng được hơn 60ha màu trên chân đất lúa; trong đó có 4ha ớt chỉ thiên ở ấp Xuân Lộc và Phước Lộc – đây là cây màu đang cho hiệu quả kinh tế khá cao và hiện được nhiều HV và chị em PN quan tâm. Về chuyển đổi vật nuôi, chị em PN xã Trung Thành chọn con bò làm vật nuôi chủ lực. Kết quả đến nay HV và chị em PN xã này đã nuôi thêm được hàng trăm con bò, góp phần nâng tổng đàn vật nuôi này ở địa phương lên 1.778 con, tăng 1% so với cuối năm 2013; trong đó đa phần là bò lai sind. Nâng vị trí là xã có đàn bò đứng hàng thứ 4/20 xã và thị trấn ở huyện Vũng Liêm.
Chính nhờ chuyển đổi đúng hướng cây trồng và vật nuôi mà nay Hội PN xã này đã có khá nhiều HV và chị em PN thuộc diện nghèo vươn lên khá. Điển hình như hộ chị Thạch Thị Thúy Minh ấp Xuân Minh 2, chị Nguyễn Thị Hương ấp Xuân Lộc – cả 2 chị em này trước đây thuộc diện hộ nghèo, nhờ được trợ vốn nuôi bò mà nay đã thoát nghèo bền vững. Cả 2 hộ này hiện đều có của ăn, của để. Còn đối với 2 chị Nguyễn Thị Kiều Tiên, Võ Thị Hồng Ngọc cùng ở ấp An Trung, nhờ bỏ lúa, lấy đất trồng dưa hấu và khổ qua mà nay cũng đã trở thành hộ khá giả. Với việc ngày càng có nhiều HV và chị em PN thoát nghèo bền vững, Hội PN Trung Thành đã góp phần kéo giảm hộ nghèo ở địa phương hiện nay xuống còn 142 hộ, chiếm 5,45% và hộ cận nghèo còn 209 hộ, chiếm 8,02% so với tổng số hộ trên địa bàn.
Từ thắng lợi trên đây, Hội PN Trung Thành cho thấy đã thiết thực có những đóng góp rất đáng kể để Trung Thành đến nay đạt được 9/19 Bộ tiêu chí nông thôn mới; trong đó có tiêu chí số 11 (hộ nghèo), số 12 (lao động có việc làm thường xuyên). Đồng thời, những người chị người em của xã này cũng đang phấn đấu cùng địa phương để đưa thêm 3 tiêu chí nông thôn mới về đích vào cuối năm nay – đó là tiêu chí số 4 (điện), số 17 (môi trường) và số 19 (an ninh trật tự) để từng bước làm thay da đổi thịt đi lên cho quê hương./.
Bài: Trọng Dân
|
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét