|
(CATP) Việc châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu đã làm tính pháp lý của tài liệu nâng tầm quốc tế; ghi nhận thành tựu của triều Nguyễn với lịch sử dân tộc. Nó càng có ý nghĩa, giá trị lớn trong việc khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang xâm phạm.
CHÂU BẢN TRIỀU NGUYỄN ĐƯỢC TÔN VINH
Tại phiên họp thứ hai của Hội nghị toàn thể lần thứ sáu của Ủy ban “Chương trình Ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương 2014” tại Trung Quốc ngày 14-5, châu bản triều Nguyễn chính thức được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản tư liệu.
Như vậy, Việt Nam đã có bốn bộ tư liệu được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu: Mộc bản triều Nguyễn (năm 2007), 82 Bia đá Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (năm 2010), mộc bản Chùa Vĩnh Nghiêm (2012) và châu bản triều Nguyễn (năm 2014). Trong đó, triều Nguyễn có hai tư liệu là mộc bản và châu bản. Châu bản triều Nguyễn là các tài liệu hành chính duy nhất của triều Nguyễn (1802 - 1945), gồm 773 tập (gần 200.000 tờ). Hầu hết văn bản (tấu, sớ, chiếu, chỉ dụ, truyền...) là bản gốc, được đóng dấu của nhà vua và các cơ quan có thẩm quyền trên mọi lĩnh vực.
“Tuyển tập các châu bản triều Nguyễn về thực thi chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của Bộ Ngoại giao được xuất bản thành 4 thứ tiếng Anh, Pháp, Việt và Trung Quốc
Nhiều tờ châu bản triều Nguyễn thể hiện chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa theo đúng luật pháp quốc tế. Hai quần đảo này được quản lý, sử dụng liên tục từ triều Nguyễn đến nay và nhiều lần bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng.
Trong buổi trao đổi với chúng tôi sáng 19-5, luật sư - Th.s Đặng Thị Ngọc Hạnh, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên - Huế, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ngọc Hạnh và Cộng Sự, cho biết: “Châu bản triều Nguyễn được công nhận là Di sản tư liệu đúng thời điểm căng thẳng trên biển Đông mà Trung Quốc đang xâm phạm chủ quyền của Việt Nam. Xã hội văn minh hiện nay không thể chấp nhận “mạnh thắng yếu thua”. Chân lý không thuộc về kẻ mạnh mà phải thuộc về lẽ phải và các bên đều phải chứng minh. Dù là nước nhỏ nhưng chúng ta có công lý, có lẽ phải, có phương pháp đấu tranh khôn khéo, thông minh. Ta vừa ngăn chặn sự xâm lấn lãnh hải vừa đấu tranh trên phương diện ngoại giao, hòa bình để tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của quốc tế.
CHỦ QUYỀN HOÀNG SA CỦA VIỆT NAM
Sáng 18-5, trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thuận An (nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử Huế duy nhất có tên trong Wikipedia) bày tỏ vui mừng vì công sức, tâm huyết của những người sưu tầm, nghiên cứu, lưu giữ... châu bản triều Nguyễn cho nhà nước (trong đó có ông) đã có kết quả, được nhìn nhận để góp phần vào quá trình đấu tranh với Trung Quốc hiện nay. Năm 2009, ông An đã hiến tặng hai tờ châu bản cho Bộ Ngoại giao mà ông đã nghiên cứu, sưu tầm được.
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An và tờ châu bản triều Nguyễn (bản gốc đã hiến tặng Bộ Ngoại giao) về chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam
Tờ châu bản thứ nhất gồm 2 văn bản (một bằng tiếng Pháp, đề ngày 2-2-1939) có nội dung: Khâm sứ Trung kỳ gửi Ngự tiền Văn phòng đề nghị Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huân chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan là Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh, vừa tạ thế sau khi bị bệnh sốt trong thời gian đóng quân, công tác tại quần đảo Hoàng Sa và văn bản chính (bằng tiếng Việt, đề ngày 3-2-1939) do Ngự tiền Văn phòng dâng lên vua thuật lại đề nghị của Tòa khâm sứ, được vua Bảo Đại ký và phê “Chuẩn y”. Tờ châu bản thứ hai (đề ngày 15-2-1939) có nội dung: Tòa khâm sứ Trung kỳ đề nghị Nam triều thưởng Huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh vì đã có công trong việc “lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa”. Ngày 15-2-1939, Ngự tiền Văn phòng tấu xin Hoàng đế Bảo Đại và vua đã phê “Chuẩn y”.
Ông An còn phát hiện hình ảnh biển đảo của Việt Nam được khắc trên Cửu đỉnh (9 cái đỉnh bằng đồng được đúc năm 1836, là bảo vật quốc gia) đặt trước Thế Miếu - Đại nội Huế. Trên Cửu đỉnh có 153 hình ảnh chỉ tên từng cảnh vật: núi sông, lãnh hải, cửa biển, binh khí, xe thuyền... Trong đó, có một số hình ảnh các vùng biển: Đông Hải (biển Đông); Nam Hải (phần biển ở phía Nam của Nam bộ) và Tây Hải (vùng biển ở phía tây của Nam bộ) và các đảo, trong đó có quần đảo Hoàng Sa của nước ta thời đó.
Những nghiên cứu và cống hiến của ông An góp phần làm phong phú kho tư liệu lịch sử triều Nguyễn về chủ quyền của nước ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Trong khi đó, nhiều bản đồ do Việt Nam, phương Tây và cả Trung Quốc đã công bố từ thế kỷ 18 đến nay thì Trung Quốc không có Hoàng Sa và Trường Sa. Như tấm bản đồ cổ Trung Quốc vẽ lãnh thổ nước này thời Càn Long (1736 - 1795) mà Thủ tướng Đức Angela Merkel mới tặng cho Chủ tịch Tập Cận Bình; bản đồ Atlas (xuất bản năm 1827 tại Bỉ) đều chứng minh chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
| |
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét