Người thân, bè bạn cùng nhảy điệu lamthol chúc mừng ngày hạnh phúc của cô dâu Kim Thoa.
Vĩnh Long có trên 22.300 đồng bào dân tộc Khmer, chiếm trên 2,2% dân số, sống cộng cư và hòa nhập với đồng bào Kinh, Hoa, tập trung chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và TX Bình Minh.
Thời gian qua, nhờ những chủ trương của Đảng và chính sách nhà nước quan tâm đầu tư về công tác dân tộc, đặc biệt là ý thức vươn lên nên đời sống của đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long đang có nhiều thay đổi.
Đổi thay từ những chính sách
Thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tỉnh Vĩnh Long đã có nhiều nỗ lực trong việc chăm lo đời sống cho đồng bào dân tộc Khmer, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đồng bào làm ăn sinh sống, phát triển sản xuất.
Theo ông Sơn Ry Ta- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, từ năm 2007, Vĩnh Long đã triển khai có hiệu quả chính sách về việc vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ Khmer đặc biệt khó khăn theo Quyết định 32 và chính sách chuyển đổi ngành nghề từ Quyết định 74; Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều hộ Khmer nghèo được tiếp cận với nguồn vốn để chăn nuôi, sản xuất, nâng cao thu nhập ổn định cuộc sống.
Gia đình ông Sơn Yên (xã Đông Bình- TX Bình Minh) nhờ cần cù chịu khó đã thoát khỏi cảnh khó khăn.
Ông cho biết: “Lúc trước, gia đình tui có 2 công ruộng, kinh tế khó khăn lắm. Cũng nhờ Nhà nước cho vay, tui nuôi bò cùng với trồng rẫy để lo các con ăn học”. Từ vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và được hỗ trợ chăn nuôi cộng với bản thân cần cù, chịu khó, anh Thạch Xây (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đã tạo được nguồn thu cho gia đình và vươn lên thoát nghèo.
Anh cười phấn khởi: “Nhờ Nhà nước cho vay tiền cộng với tui lo mần nên nhà mới thoát nghèo. Mình mần siêng, con mình được ăn học mới sướng, không ráng mần, trông chờ Nhà nước hoài, kỳ lắm”.
Nhờ phát huy hiệu quả nguồn vốn cộng với tinh thần vượt khó vươn lên của bà con, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm đáng kể. Nếu như năm 2008, tỉnh có 50,5% hộ đồng bào Khmer nghèo thì đến cuối năm 2014 chỉ còn 17,62%.
Bà con Khmer ý thức làm ăn để đời sống khá hơn.
Không chỉ tự lực vươn lên, ý thức cho con cái đi học để có việc làm mới thoát nghèo bền vững, đã được đồng bào Khmer xem trọng hơn cả “cái ăn, cái mặc hàng ngày”. Vợ chồng ông Thạch Chia- Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Mỹ có 3 con gái đều tốt nghiệp đại học và hiện làm giáo viên, cuộc sống ổn định. Ông khoe: “Nguyên ấp Sóc Ruộng này, con cháu người Khmer tốt nghiệp đại học nhiều lắm.
Ấp có 32 gia đình hiếu học thì mỗi gia đình có từ 2- 3 con có bằng đại học đó”. Em Thạch Thị Hậu (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh) sinh ra trong gia đình nghèo ở xã Đông Thành (TX Bình Minh). Ba mẹ em không ruộng vườn, sống bằng nghề “ai kêu gì làm đó” nhưng vẫn cố gắng lo cho 4 con gái được biết chữ.
Ý thức được gia cảnh nghèo khó, các chị em Hậu cố gắng học thật giỏi: “Chỉ có ánh sáng của tri thức mới xóa hết được bóng tối của lạc hậu, thay đổi số phận. Chỉ có việc học để có việc làm ổn định, gia đình em mới thoát nghèo. Bằng sự cố gắng và quyết tâm, em tin mình sẽ thành công”- Hậu chia sẻ.
Đậm tình đoàn kết dân tộc
Thời gian qua, từ cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã tập hợp được đông đảo bà con Khmer. Đây là nguồn lực to lớn tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị ở vùng đồng bào Khmer, làm cho phum sóc ngày càng khởi sắc.
Giữa tháng 4, tiếng trống sa dăm rộn rã, giai điệu lâm thôn rộn ràng và tiếng hát nhiều âm sắc phát ra từ các ngôi chùa, các ngôi nhà. Không khí đón Tết Chol Chnam Thmay đang lan tỏa khắp nơi...
Dịp này, lãnh đạo tỉnh dẫn đầu các đoàn đi chúc tết các chùa Phật giáo Nam tông; thăm hỏi đời sống và tặng quà gia đình chính sách, hộ nghèo người dân tộc. Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, giải trí lành mạnh nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Khmer và truyền thống đại đoàn kết dân tộc.
Điểm độc đáo là tất cả các lễ hội, các hoạt động văn hóa bao giờ cũng có sự tham gia đông đảo của người dân địa phương, trở thành ngày hội chung, không phân biệt dân tộc nào. Như ngày hội văn hóa, thể thao đồng bào Khmer đã thu hút trên hàng chục ngàn người gồm cả Kinh- Khmer- Hoa cùng tham dự.
Chị Sơn Thị Mỹ Hà (ấp An Nhơn, xã Trung Thành- Vũng Liêm) cho biết: “Ở xóm Giữa, người Kinh, Khmer sống chung nên người Kinh nói tiếng dân tộc luôn hà. Xóm em sống đoàn kết, không phân biệt tết của ai đâu. Tết Kinh, Tết Khmer mọi người rủ rê ăn tết chung; mướn nhạc cùng hát nhảy lâm thôn vui lắm”.
Còn em Lâm Thị Kim Thoa (biên tập viên Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long) cho biết: “Từ nhỏ đến lớn, em học chung với bạn bè người Kinh. Mỗi dịp lễ tết, em mặc đồ truyền thống dân tộc mình mấy bạn xuýt xoa khen đẹp, độc đáo. Đám cưới em mặc trang phục cô dâu truyền thống, đồng nghiệp khen lắm. Mọi người cùng hòa theo tiếng nhạc, nhảy múa chúc mừng hạnh phúc. Em rất tự hào”.
Cùng với sự quan tâm hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và ý thức tự lực vươn lên, đời sống vật chất lẫn tinh thần của đồng bào Khmer đã được đổi thay, để mỗi khi Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay đến, đồng bào đón mừng trong sự sung túc và không khí đầm ấm hơn.
Thượng tọa Sơn Ngọc Huynh- Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự quan tâm của Đảng, chính quyền đến đời sống của đồng bào Khmer. Trong đó có nhiều chính sách chăm lo ngày càng toàn diện, tạo động lực cho nhiều hộ dân Khmer vượt khó, thoát nghèo, tạo điều kiện cho nhiều con em Khmer được học tập để sau này trở về phục vụ quê hương |
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
|